Sản xuất Nam Hải phong vân

Kịch bản

Ngay sau khi Hải chiến Hoàng Sa kết thúc năm 1974, nhà biên kịch Lục Trụ Quốc đã được giao nhiệm vụ đi phỏng vấn tại đảo để đưa câu chuyện hải chiến lên màn ảnh. Từ xưởng phim Bát Nhất, ông phải đi tàu lửa đến Trạm Giang, rồi theo Hạm đội Nam Hải ra Căn cứ hải quân Tam Á, rồi từ đó theo tàu cung cấp nước ngọt ra đảo Vĩnh Hưng để phỏng vấn quân nhân và nhân dân trên đảo. Trong chuyến đi ra đảo, ông đã gặp sóng gió lớn, khiến ông và nhiều người trên thuyền phải nôn mửa. Theo Lục, các chi tiết trong phim được trung thực và cảm động là nhờ ông phỏng vấn các nhân chứng ngay trên đảo và tình hình thật sự trong trận chiến đã được thể hiện trong bộ phim.[3] Điều thú vị nhất mà ông biết được qua phỏng vấn là khi Hải quân Việt Nam Cộng hòa đầu hàng Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, họ không có cờ trắng nên đã vẫy bộ quần trắng để đầu hàng. Việc này đã khiến quân Trung Quốc càng tức giận.[3]

Lục đã ở lại trên đảo khoảng một tuần để phỏng vấn, rồi trở về Tam Á để chuẩn bị viết kịch bản. Kịch bản được hoàn tất trong hơn 10 ngày với tên gọi ban đầu là "Phi tường ba, hải yến!" (tiếng Trung: 飞翔吧,海燕!; nghĩa đen: "Bay lượn đi, hải yến!"). Sau này, giới lãnh đạo của xưởng phim đổi lại thành Nam Hải phong vân.[3]

Quay phim

Đoàn làm phim theo chân Lục Trụ Quốc để đến đảo Vĩnh Hưng quay phim.[14] Năm 1976, có hai phim được quay cùng lúc tại đó, là Tây Sa nhi nữ và Nam Hải phong vân. Hai đoàn làm phim đã đến quần đảo vào cuối năm 1975, rồi sử dụng chung tòa nhà chính ở đảo.[14][2] Trong lúc đang quay ở đảo, đoàn nghe tin Chu Ân Lai qua đời nhưng vẫn tiếp tục quay, đến mùa hè thì xong và trở lại Bắc Kinh cho khâu hậu kỳ. Trong khi đó, đoàn phim Tây Sa nhi nữ chưa quay xong đã phải giải thể do bị thẩm tra khi Tứ nhân bang bị hạ bệ nên phim phải bị hủy.[2]

Thái Kế Vị là người phụ trách quay phim. Nhiều phân cảnh trong phim được quay với sự hợp tác của Hạm đội Nam Hải, nhất là cảnh hải chiến và cảnh trên tàu.[14] Một cảnh quay tàu đổ bộ lên đảo khi đem về lại Bắc Kinh để in âm bản cho phim thì gặp lỗi nên phải hủy bỏ phân cảnh này.[3]

Hầu hết các phân cảnh trong phim đều được quay trên đảo, kể cả cảnh quay các trận đánh, tập trận và cảnh trên tàu, trừ một ngoại lệ là cảnh quay hoàng hôn. Đoàn phim tốn 7-8 ngày quay tại Vịnh Thanh Lan ở Văn Xương nằm cực Đông đảo Hải Nam mới lấy được cảnh vừa ý.[14]

Phân vai

Đạo diễn Trương Dũng Thủ cũng thủ một vai chính trong phim. Đây là vai diễn điện ảnh đầu tiên của Đường Quốc Cường kể từ khi ông tham gia hãng phim Bát Nhất.[16] Diễn viên Lưu Hiểu Khánh đáng lẽ cũng tham gia phim này với vai chị hoặc em của nhân vật do Đường Quốc Cường thủ vai, nhưng do bà lúc đó được giao nhiệm vụ đóng phim Nam Hải trường thành của hãng (cũng quay tại Hải Nam) nên không thể tham gia. Sau này Đường và Lưu đóng chung trong phim Tiểu hoa (1979), cũng trong vai anh em.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nam Hải phong vân http://navy.81.cn/content/2019-06/18/content_95332... http://politics.people.com.cn/n/2012/0725/c14562-1... http://politics.people.com.cn/n/2012/0725/c14562-1... http://politics.people.com.cn/n/2012/0725/c14562-1... http://www.ccsa.cdut.edu.cn/info/1023/1811.htm http://www.lg.gov.cn/bmzz/ysjdb/shjs/djgz/content/... http://www.sansha.gov.cn/sansha/sstx/201810/5af5a0... http://www.sansha.gov.cn/sansha/ssxfang/201404/4d1... http://www.sansha.gov.cn/sansha/sysdt/201909/f7aee... http://baike.baidu.com/view/927106.htm